Chắc hẳn cái tên Trần Đức Thảo có rất ít người Việt biết tới.. Ông là một triết gia người Việt, chỉ những người thật sự quan tâm tới hiện tượng luận thì mới có thể được nghe qua tên ông. Ông đã từng trình bày bài dẫn nhập xuất sắc về tác phẩm của Husseri trong phần thứ nhất cuốn “Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Minh Tân, 1951). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc tiểu sử và cuộc đời của triết gia Trần Đức Thảo, cùng theo dõi nhé!

Tiểu sử và cuộc đời Trần Đức Thảo

Trần Đức Thảo, sinh ngày 26/9/1917, tại làng Thái Bình, quê quán tại làng Song Tháp, Châu Khê, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con một viên chức bưu điện, Ông là học sinh xuất sắc của trường trung học Pháp Albert Sarraut (Hà Nội): giải nhì cuộc thi triết học các trường trung học toàn quốc Pháp, đỗ tú tài Pháp năm 1935.

Năm 1936, ông nhận học bổng của Phủ toàn quyền Đông Dương sang Paris, Pháp, và thi đậu vào trường École normale supérieure (Paris) năm 1939. Ông đậu thủ khoa đồng hạng bằng Thạc sĩ triết học, ngang điểm với Jules Vuillemin) tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942), thành người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ triết học.

Thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước vừa giành được độc lập hồi tháng 8 năm 1945. Lá thư được in trên tờ Cờ giải phóng, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau 1954, từ Việt Bắc về Hà Nội, Giáo sư Trần Đức Thảo kết hôn với Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhứt, đến ngày 5 tháng 1 năm 1967, theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nhứt hai ông bà đã thuận tình ly hôn

Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm 1957-1958, Ông bị kết án dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông bị cách chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển. Ông hạn chế liên hệ với người khác, bị cô lập trong cuộc sống[3].

  • Thái Vũ kể: “việc gặp thầy Trần Đức Thảo từ nước Pháp tư bản trở về là rất dễ bị quy tội như bên Trung Quốc trong Đại Cách mạng Văn hoá. Gặp thầy lủi thủi đạp chiếc xe đạp mini cộc cạch cũng đành làm ngơ, nhiều khi không dám nhìn.”[4]
  • GS Nguyễn Đình Chú giảng viên cao cấp của khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) viết: “Điều không thể không nói là sau đợt đấu tranh này, quan hệ giữa các thầy bị đấu tranh với mọi người, với các học trò, trong đó có quan hệ giữa thầy Thảo với tôi, coi như phải chấm dứt dù còn ở chung nhà tập thể. Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhấ t nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn.”
  • Trong quyển sách hồi ký nguyên văn bằng tiếng Pháp là Mémoire d’un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng), Trương Như Tảng có nhắc tới thạc sĩ Trần Đức Thảo (tr.300): “Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.”
  • Françoise Corrèze, người bạn thân của Trần Đức Thảo có hay tới thăm ông ở căn phòng khu tập thể Kim Liên, nhưng chỉ bút đàm, vì phòng bị thu âm

Kể từ năm 1960, ông Cù Huy Chử, thành viên Tổ thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó, đã lưu trữ và nhờ đánh máy lại các trang bản thảo viết tay của Trần Đức Thảo.

Năm 1985, sau khi đi Cộng hòa dân chủ Đức vừa chữa bệnh, vừa làm việc với Viện hàn lâm khoa học của CHDC Đức, ông có sang làm việc với Viện hàn lâm khoa học Liên Xô.

Năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh kết hợp với “nghiên cứu khoa học, do Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử đi” (theo TS. Cù Huy Chử) và mất tại Paris vào năm sau. Theo những anh chị em có dịp tiếp cận, Trần Đức Thảo cho biết ông được tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban bí thư cử sang Pháp để “giải độc trí thức Việt Kiều” khỏi những ảnh hưởng xấu từ những thông tin trên truyền thông phương Tây. Di hài ông được nhà nước đưa về an táng tại Khu A Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Mọi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, sự nghiệp triết học, sự nghiệp chính trị đúng đắn và đúng nghĩa đều phải thực chất giúp ích cho xã hội, cho quê hương đất nước, cho thế giới và lịch sử nói chung, đều phải luôn luôn có thực chất, có chân giá trị và cũng phải hoàn toàn mang mọi ý nghĩa khách quan là điều mà Trần Đức Thảo đã có gắng làm trong cuộc đời của ông.