Trả lời câu hỏi: “minh triết là gì?” – nó gần như là điều không thể. Một vị học giả đã định nghĩa một cách hài hước rằng: “Tìm cách định nghĩa minh triết, đó là bằng chứng của sự thiếu minh triết”.

Minh triết là gì?

Định nghĩa theo nghĩa Hán Việt

Minh triết (hay sự không ngoan) là chỉ sự hiểu biết sâu rộng, hoặc hành động khôn ngoan nào đó của con người, sự vật, sự kiện hoặc hoàn cảnh, kết quả của những khả năng lựa chọn, hành động để tạo ra kết quả tốt nhất với thời gian và năng lượng ít nhất.

Người minh triết là người có khả năng nhận thức được đúng hay sai, đi liền với các đánh giá về hành động thực tế. Minh triết cũng được coi là từ đồng nghĩa với thông thái, sáng suốt, thông tuệ là vì đó.

Minh triết đòi hỏi sự mạnh mẽ trong khả năng kiểm soát các phản ứng và cảm xúc vì thế mà một nguyên tắc là lý lẽ và trí tuệ sẽ xác định các hành động sẽ thực hiện.

Định nghĩa theo triết học

Minh triết là một khái niệm triết học còn khá mới mẻ và được các triết gia kỳ vọng có thể đem lại cho con người sự thay đổi mới mẻ ở nhận thức trong bối cảnh xung đột giữa những nền văn minh văn hóa trên thế giới ngày càng tăng.

Các biểu hiện của sự minh triết đều mang tính tổng thể: là chân, là mỹ, là thiện, là kinh nghiệm sống và lối sống, là nhận thức, là hành vi và là đạo đức,… Chưa có một định nghĩa nào có thể bao hàm cũng như xuyên suốt về minh triết được. Có thể hiểu minh triết là gì thông qua một vài nét đặc trưng về nhận thức và lối sống như sau:

Không có tham vọng đưa ra một định nghĩa thấu đáo và đầy đủ về minh triết, tôi thử đưa ra mấy nét đặc biệt của minh triết như là nhận thức và lối sống:

  • Minh triết đi đôi với nghiệm sinh
  • Minh triết quan tâm tới sự cân bằng và hài hòa
  • Minh triết được thể hiện rõ thể hiện trong lối sống.

Minh triết gắn với nghiệm sinh – Jerry Ortiz y Pino

Jerry Ortiz y Pino đã nêu ra đặc điểm này như một yêu cầu tất yếu của sự minh triết. Minh triết không phải là cái gì đó mà con người có từ khi mới sinh ra. Lanh lợi là bẩm sinh. Thông minh cũng là bẩm sinh. Thậm chí là sự năng động cũng là bẩm sinh. Tuy nhiên, sự minh triết thì lại không hề do bẩm sinh. Sự minh triết chỉ có được từ kinh nghiệm sống, từ những sai lầm, hoặc học hỏi và rút kinh nghiệm từ những người khác và học hỏi từ đó.

Điều kiện này được tuyệt đối hóa trong một câu kinh Phật vô cùng nổi tiếng: 

“Chớ có tin vào đức tin của những truyền thống, dù cho chúng đã được vinh danh lâu đời nhiều thế hệ và ở nhiều nơi. Chớ có tin vào một điều nào chỉ vì có nhiều người nói đến nó. Chớ có tin vào đức tin của những bậc hiền minh trong quá khứ. Chớ có tin vào những gì mà anh tưởng tượng rằng Thượng đế truyền gợi cho anh. Không tin gì hết nếu như chỉ có uy tín của những bậc thầy của anh hoặc của những nhà sư của anh. Sau khi xem xét hãy tin vào những gì chính anh đã thể nghiệm hoặc nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với phúc lợi của anh và của những người khác” – (Kinh Kalama).

Platon, Epicure, Epictete, Boece… là những triết gia lớn nhưng nhiều trích dẫn trong tác phẩm của họ được đưa vào Kinh Thánh Minh triết, vì những tri thức và tư tưởng của họ thực sự là minh triết, chúng được gắn với những giá trị lớn không chỉ bằng trí tuệ mà bằng cả tâm hồn. Xét đến cùng, sự phân biệt minh triết và triết học là hết sức tương đối.

Minh triết quan tâm đến sự cân bằng, hài hòa

Minh triết là do xu hướng cân bằng, hài hòa gắn với lương tri, nó gần với sự biết điều trong cuộc sống hàng ngày. Lương tri giúp cho những thức giả kịp thời thoát ra khỏi sự cuốn hút của các u mê lý thuyết. Sự biết điều cũng sẽ giúp ta biết thế nào là “đủ”, biết được “điểm”, tránh đi sự tham lam. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của lương tri và sự biết điều. Minh triết cũng không hẳn là hoàn toàn đối lập với sự “điên rồ” (“Vẫn có một góc điên rồ trong đầu óc của người minh triết nhất” – Aristote). Bậc hiền dù sao cũng là một con người, mà người nào chả có một góc điên rồ trong đầu: “Kẻ sống không điên rồ đâu có minh triết như y tưởng” (Francois De La Rochefouauld); “Minh triết là điên tiết khi gặp hoàn cảnh đáng điên tiết” (Jean Cocteau); “Hãy trộn một chút điên rồ vào minh triết, quên minh triết đi đôi khi lại là hay” (Horace)… Tôi lấy câu trích dẫn sau cùng để kết luận mục này có bổ sung đôi chút: … quên minh triết đi, quên triết lý đi đôi khi lại là hay…

Minh triết thể hiện trong lối sống người Việt

Trong Nho giáo Việt cũng đã nghiên cứu khá sâu nhưng lại chưa được chắt lọc kỹ lưỡng ở khía cạnh minh triết. “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo thường để cảm hóa lòng người”, viên ngọc minh triết đáng quý này của nho gia Ngô Thời Sĩ rất tiếc là chúng không được mấy người Việt biết đến, những người mà hiện nay đương làm công tác tư tưởng. Minh triết của Đạo giáo đã được những học giả nghiên cứu khá sâu nhưng chưa được phổ cập. Một vấn đề nữa rất đáng được quan tâm là: những viên ngọc quý trong văn hóa và lối sống các dân tộc anh em hầu như chưa được khai thác và quảng bá.

Không thể khác được, nghiên cứu minh triết Việt Nam bắt đầu bằng sự tổng kiểm kê và sưu tầm bổ sung những viên ngọc quý của minh triết Việt Nam hiện đương rải rác khắp nơi. Chỉ có những viên ngọc quý trong ca dao tục ngữ là được sưu tầm tương đối đầy đủ, tuy vậy chưa được nghiên cứu sâu sắc ở “mặt cắt” minh triết, vả chăng vẫn còn sót ca dao tục ngữ của những dân tộc anh em? Còn minh triết của Đạo Phật (trong tâm tưởng những tín hữu Phật giáo xưa và nay), minh triết của Thiên chúa giáo (trong tâm tưởng những tín hữu công giáo và đạo Tin lành Việt Nam), minh triết của đạo Hồi (trong văn hóa và lối sống của người Chăm), minh triết của đạo thờ tổ tiên…

Cuối cùng có một vốn minh triết nữa rất quan trọng: đó là những suy nghĩ, những bài học minh triết được rút ra từ hoạt động của những người hoạt động chính trị và xã hội, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý, những người hoạt động tôn giáo – họ là những người bình thường trong sĩ, công, nông, công, thương và từ những suy ngẫm những kinh nghiệm làm ăn, nghề nghiệp, kinh doanh của họ có thể rút ra những viên ngọc minh triết quý. Làm tốt công việc sưu tầm và tổng kiểm kê này, lần đầu tiên chúng ta có thể hình dung được đầy đặn vốn minh triết phong phú và đa dạng của dân tộc Việt Nam. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, lịch sử văn hóa Việt Nam có thêm một căn cứ tham chiếu. Đây là đóng góp về mặt học thuật.

Công việc sưu tầm và tổng kiểm kê còn có tác dụng về mặt thực tiễn. Đứng trước cái vốn tinh thần to lớn này, như soi vào một tấm gương lớn và sáng, người theo đạo Phật cũng như người theo đạo Thiên chúa, người Êđê cũng như người Tày, người Chăm cũng như người Thái… đều thấy minh triết của mình trong đó, sự góp phần của họ vào cái vốn trí tuệ và đạo đức chung của toàn dân tộc. Minh triết Việt Nam là một cơ sở tinh thần quan trọng để thực hiện sự đoàn kết tôn giáo, sự đoàn kết các dân tộc anh em, sự đoàn kết toàn dân sĩ, nông, công, thương trong cả nước. Ngoài ra, vốn minh triết to lớn này mới có đủ sức mạnh để gây ở chúng ta ý thức về minh triết. Ý thức này khiến chúng ta nhạy cảm hơn với minh triết ở cuộc sống xung quanh ta và bản thân ta. Một tác động quan trọng nâng cao sự tự giác trong đời sống tinh thần.

Minh triết Việt Nam là một bộ phận của minh triết nhân loại. Có thể tìm thấy ngay trong bản thân minh triết Việt Nam nhiều vết tích vang vọng của minh triết các nền văn hóa, văn minh khác nhau. Người Việt cũng không thể không tìm hiểu thêm về minh triết của những nền văn hóa khác. Công việc này sẽ giúp chúng ta thấy được rõ nét hơn, tinh tế hơn bản sắc của minh triết, thấy được điểm chung giữa ta và người. Cũng có thể coi đây là một sự chuẩn bị về mặt tinh thần khi đi vào con đường hội nhập.

Nguồn: Sưu tầm